Trang tin CNBC vừa lập một bản danh sách 10 người đã
dũng cảm từ bỏ công việc của họ để theo đuổi niềm đam mê riêng và cuối
cùng thành công, trở thành người giàu có. TT&VH xin được giới thiệu
với độc giả bản danh sách thú vị này.
Đã
bao giờ bạn dám bỏ ngay công việc mình đang làm để theo đuổi giấc mơ
riêng? Trong khi đa số chúng ta ngại ngần trước điều này thì vẫn có một
số người dám chấp nhận phiêu lưu khi bỏ ngang công việc ngon lành cùng
khoản lương thưởng hấp dẫn để biến các ý tưởng kinh doanh của bản thân
thành hiện thực.
1. Thời trang Vineyard Vines
Hai
anh em Shep và Ian Murray đã từng là những nhân viên nghèo, làm các công
việc quèn cho một công ty ở Manhattan, New York. Vì thế, vào năm 1998,
Shep Murray đã bỏ việc, người em của ông ra quyết định giống anh sau đó
10 phút.
Họ rút hết mức khoản tiền có thể lấy từ thẻ tín dụng và
thành lập Vineyard Vines, một công ty chuyên bán cà vạt, bất chấp việc
bị nhiều người chê là "hâm hấp".
Đầu tiên, họ bán những chiếc cà
vạt bằng cách nhét chúng vào ba lô và đi lang thang trên đường, rong
ruổi ra các bãi biển, lên các con thuyền và quán bar. Kết quả là họ bán
sạch 800 chiếc cà vạt trong tuần đầu tiên.
Hơn một thập kỷ sau,
họ đã trở thành những ông chủ của một hãng sản xuất trang phục hổi
tiếng, có 18 cửa hàng bán lẻ lớn mang tên Vineyard Vine trên toàn quốc
và 500 cửa hàng khác đồng ý tiêu thụ hàng của họ. Công ty thu về khoản
tiền 100 triệu USD riêng trong năm 2011 và hiển nhiên, hai anh em đã trở
thành những triệu phú.
Hai anh em Shep và Ian Murray, những người đã bỏ việc để bán cà vạt rong và trở thành triệu phú
2. Bánh quy Wetzel’s Pretzels
Rick
Wetzel và Bill Phelps đang làm việc cho công ty Nestle khi Wetzel và
nảy ra ý tưởng sản xuất bánh quy. Đó là khi họ đang đi công cán và bất
chợt Wetzel thổ lộ với bạn về ý tưởng mà vợ anh đưa ra: làm những chiếc
bánh quy lớn, mềm và bán chúng tại siêu thị. Tối đó, họ rủ nhau đi bar
và vạch ra kế hoạch kinh doanh trên một chiếc khăn giấy.
Để có
vốn kinh doanh, Wetzel phải bán chiếc xe Harley Davidson của mình. Họ
tìm được một cộng sự nữa giúp tạo ra công thức bánh quy đặc biệt và khi
sản phẩm ra lò, họ mời một chủ siêu thị nhỏ tới nếm thử. Ông này đã rất
thích vị của chiếc bánh nên đồng ý cho họ mở cửa hàng đầu tiên mang tên
Wetzel’s Pretzels.
Đó là năm 1994, một năm sau cả hai đã gặp may
khi "được" Nestle đề nghị cho nghỉ việc. Họ đã dùng tiền mở thêm vài cửa
hàng nữa trước khi bắt đầu đẩy mạnh phát triển thương hiệu Wetzel’s
Pretzels. Hiện họ đã có 250 cửa hàng trên toàn quốc, với doanh thu trong
năm 2011 là hơn 100 triệu USD.
3. Ngựa nòi West Point
Khoảng
năm 1990, hai vợ chồng Terry Finley mua một con ngựa với giá 5.000 USD.
Con ngựa tên Sunbelt đã về Nhất trong một cuộc đua và sau lần đó, nó
cũng chiếm trọn trái tim Finley. Anh bỏ công việc làm bảo hiểm để theo
đuổi đam mê.
Trong tay chỉ có những chiếc thẻ tín dụng và ít tiền
tiết kiệm, anh cùng vợ mở công ty dịch vụ ngựa nòi West Point
Thoroughbreds. Kể từ năm 2007, ngựa của công ty đã thắng 20% các cuộc
đua, mang về hơn 16 triệu USD. Riêng việc bán ngựa nòi đã đem tới số
tiền gần 7 triệu USD mỗi năm. 4. Đồ ăn nhanh Terra Chips
Dana
Sinkler và Alex Dzieduszycki từng là trợ lý của đầu bếp ngôi sao
Jean-Georges Vongerichten tại nhà hàng 4 sao Lafayette của ông ở New
York, khi họ quyết định nghỉ việc để ra ngoài kinh doanh. Họ mong muốn
tạo nên một loại món ăn đặc biệt cho quán bar. Vì thế, trong năm 1990,
họ bắt đầu thử nghiệm việc rán nhiều loại rau củ khác nhau trong căn bếp
nhỏ của Sinkler và may mắn thành công.
Các loại rau củ rán này
nhanh chóng được người ta ưa chuộng và tạo động lực để họ phát triển
chúng thành thương hiệu Terra Chips, đem bán chúng trong các cửa hàng.
Năm 1995, một công ty môi giới chứng khoán đã mua lại 51% công ty, khi
nó đang đem lại doanh thu 23 triệu USD mỗi năm.
5. Nước tẩy rửa Method
Adam
Lowry là một nhà khoa học thời tiết và Eric Ryan đang hoạt động trong
ngành quảng cáo, khi họ bỏ việc để phát triển công ty cho ra đời các sản
phẩm nước tẩy rửa thân thiện với môi trường mang tên Method. Vào thời
điểm đó, không có nhiều công ty cho ra đời các sản phẩm nước tẩy rửa
chứa ít hóa chất độc hại. Vì thế, hai người bạn từ thời thơ ấu đã cùng
nhau nghiên cứu và Lowry thậm chí còn pha trộn hóa chất trong bồn rửa
bát căn hộ họ ở chung. Họ dùng tối đa các thẻ tín dụng, vay mượn 200.000
USD từ bạn bè, gia đình và bắt đầu khai trương Method hồi năm 2000.
Tới
nay, sau nhiều khó khăn, Method đã trở thành một trong những công ty
phát triển nhanh nhất tại Mỹ, với hơn 100 sản phẩm lau dọn vệ sinh thân
thiện với môi trường và doanh thu thường niên hơn 100 triệu USD.
6. Những chiếc thuyền buồm J/Boats
Rod
Johnstone mới chỉ 38 tuổi và đang là một nhân viên bán quảng cáo cho
một công ty truyền thông khi anh quyết định thiết kế mẫu thuyền buồm
trong mơ của mình, với không gian đủ lớn để chứa gia đình 5 người, nhưng
vẫn đủ nhanh để tham gia đua thuyền.
Cha mẹ của Johnstone đã tặng cho anh số gỗ trị giá vài trăm USD gọi là "động viên" con trai theo đuổi mơ ước.
Không
ai ngờ, Johnstone đã cặm cụi chế tạo thuyền buồm trong gara nhà và một
năm rưỡi sau, con thuyền hoàn tất. Anh bắt đầu đưa nó vào các cuộc đua,
đồng thời quyết định bỏ việc để theo đuổi ước mơ.
Đó là năm 1977
và kể từ đó tới nay, công ty J/Boats do anh sáng lập đã tạo ra hơn
13.000 chiếc thuyền các loại, mang về doanh thu lên tới hàng triệu đô
la.
7. Trà Inko’s White Tea
Là một nhân viên phụ
trách quan hệ công chúng thành công, nhưng Andy Schamisso không hài lòng
với công việc của mình. Năm 2002, khi vợ ông không thể tìm mua được
loại trà trắng bà ưa thích, ông đã tìm kiếm nó trên mạng Internet và
phát hiện các lợi ích của nó. Ông quyết định sẽ phổ biến thứ trà đặc
biệt này cho cộng đồng.
Vậy là Schamisso lập tức rời bỏ công việc
ông gắn bó suốt 13 năm để xây dựng Công ty Inko’s White Tea. Sau khi có
đủ tiền để tạo nên 6.000 chai trà uống liền, ông đã đi dọc trên các con
phố ở New York để bán các sản phẩm của mình.
Sau một năm nỗ lực,
trà của Schamisso đã được người dùng đón nhận. Đơn đặt hàng thi nhau đổ
về và giờ ông đã trở thành chủ nhân của 14 cửa hàng trà Inko’s White
Tea tại Mỹ, doanh thu lên tới 3 triệu USD mỗi năm.
8. Những khẩu súng bắn kẹo của Marshmallow Fun
Kim
và Beaver Raymond đang làm việc trong ngành thời trang hồi năm 2002,
khi họ tạo ra những khẩu súng bắn kẹo dẻo làm từ các ống nhựa PVC để
phục vụ tiệc sinh nhật con trai. Khi thấy lũ trẻ lao vào giành giật
những "khẩu súng" này và các bậc phụ huynh há hốc mồm vui sướng nhìn con
họ chơi trò "chiến tranh kẹo" với nhau, cả hai nhanh chóng quyết định
sẽ bán món đồ chơi đặc biệt này ra thị trường. Công ty Marshmallow Fun
đã ra đời như thế và chỉ trong năm 2010, họ đã bán vô số các cây súng
kẹo dẻo, thu về hơn 7 triệu USD.
9. Những điếu xì gà Rocky Patel
Rocky
Patel là một luật sư giải trí thành đạt ở Hollywood khi anh nảy sinh
niềm đam mê với thuốc xì gà. Dù bị bạn bè can ngăn, Patel vẫn quyết định
bỏ việc và bắt đầu biến tư gia của anh ở California trở thành một trung
tâm sản xuất xì gà hồi năm 1996. Năm 2003, anh nếm mùi chiến thắng đầu
tiên với loại xì gà "The Rocky Patel Vintage”, được đánh giá cao vì chất
lượng và hương vị tốt.
Rocky Patel Cigars hiện sản xuất 20.000.000 điếu xì gà mỗi năm, với doanh thu vượt quá 40 triệu USD trong năm 2011.
10. Kayak - trang web phục vụ tìm kiếm du lịch
Đang
là chuyên viên của công ty đầu tư mạo hiểm Greylock, Paul English đã
bất ngờ bước vào ngã rẽ cuộc đời khi gặp bạn là Steve Hafner, người đề
nghị anh cùng thành lập một công ty du lịch khác biệt hẳn với những công
ty có trên thị trường lúc đó.
Sau 1 giờ bàn bạc và 3 ly rượu,
English và Hafner đã thành lập Kayak, một trang web tìm kiếm du lịch
trực tuyến. English bỏ việc ở Greylock và bắt đầu làm việc trong vai trò
giám đốc kỹ thuật cho trang web. Từ chỗ vô danh, Kayak giờ là trang web
tìm kiếm các địa chỉ du lịch, khách sạn, vé máy bay, chỗ thuê xe hơi...
hàng đầu thế giới, với doanh thu quảng cáo đạt 170 triệu USD hồi năm
2011.